Tôi vẫn luôn tin rằng mỗi sự chia sẻ trên đời này đều đáng quý và nên trân trọng. Thế nhưng trong cuộc sống, người sẵn lòng nói về những thành công thì nhiều còn chia sẻ về thất bại được mấy ai? Bởi đâu đó, việc nói về thất bại chính là thừa nhận bản thân đã từng sai và để dám thừa nhận rằng mình từng sai, thật sự cần rất nhiều rất nhiều dũng khí.
Trong khi thành công thường có nét chung và được tô vẽ bằng muôn vàn lý do, người chia sẻ về thành công có thể nhận lại rất nhiều thứ thì thất bại lại khác hoàn toàn. Thất bại là những điều cụ thể trong những hoàn cảnh cụ thể và người nhận được nhiều thứ hơn lại là những người lắng nghe.
Chính vì vậy, tôi vô cùng biết ơn 26 anh chị em đã rộng lòng chia sẻ thất bại của họ trong cuộc thi Chia sẻ bài học thất bại 2020. Cảm ơn các anh chị em rất nhiều khi đã vượt qua chướng ngại tâm lý để dũng cảm chia sẻ tất cả mọi người. Từ thất bại về các dự án, cho đến thất bại trong quá trình xây dựng đội ngũ hay những bài học về phối hợp công việc, trong Failure Counts, đều có và có một cách chân thực, sắc nét, ở nhiều góc độ khác nhau.
Nếu như từ chia sẻ về Đao Phong Vô Song 2 – Phía sau thất bại của bạn Lưu Thị Quỳnh Trang, chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc nhanh chóng tìm hướng giải quyết vấn đề thay vì tranh cãi và chú trọng đi từ mục tiêu ngắn hạn đến dài hạn. Ở một bài chia sẻ của bạn Lê Huy Hoàng, chúng ta sẽ thấy được rằng chấp nhận rằng mình còn có khuyết điểm không phải là điều gì đáng xấu hổ. Bởi khi ta biết mình còn thiếu sót ở đâu, ta sẽ biết mình cần cố gắng ở chỗ nào.
Thật khó có thể tìm được ở đâu đó khác những sự chia sẻ chân thành đến vậy. Đặc biệt là với một vài công việc đặc thù, chỉ có ở rất ít nơi có. Học hỏi từ thất bại của người khác, thật sự sẽ nhanh hơn và bớt “đau đớn” hơn khi phải học hỏi từ thất bại của chính mình. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta nên một lần xuống thư viện và mượn Failure Counts về. Bởi thứ bạn mượn chỉ là 1 cuốn sách tổng hợp lại bài dự thi của một cuộc thi quy mô công ty nhưng thứ bạn có được là rất nhiều kiến thức quý giá và những bài học vô giá.
Đặc biệt là bài học về sự sẻ chia, dấn thân và lòng dũng cảm.
Một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn công ty đã tạo điều kiện để cuộc thi được tổ chức, đồng thời cảm ơn sâu sắc đến các anh chị em đã tham gia Failure Counts. Mong rằng, trong năm nay, tôi lại có thể học thêm nhiều bài học khác nữa từ mọi người.
Lời giới thiệu về Failure Counts
2020 là lần đầu tiên Funtap tổ chức cuộc thi “Chia sẻ bài học thất bại – Failure Counts” với đối tượng tham gia là quản lý cấp Lead trở lên và đại diện các team dự án. Với thông điệp “Failure Counts” – Mỗi thất bại đều có giá trị của mình, cuộc thi “Chia sẻ bài học thất bại” hướng tới mục đích cổ vũ tinh thần DẤN THÂN giải quyết vấn đề, sẵn sàng đối diện và chịu trách nhiệm với những thất bại.
Kết thúc mùa giải, Ban tổ chức đã trao 01 giải Nhất trị giá 10 triệu đồng cho Lê Huy Hoàng (Game Marketing Lead, Game Marketing 1) với bài học: “Thất bại trong việc build up team một cách gắn kết và mạnh mẽ”.
3 giải Nhì trị giá 5 triệu đồng/giải lần lượt về tay Phạm Thị Ánh (Game Internal Control Lead, Business Development) với bài học “Quản lý vi mô và bài học trao niềm tin”, Nguyễn Hồng Hải (Game Operation Lead, Game Operation 1) với bài học “Thất bại từ dự án Kiếm Hồn 3D và Hoa Sơn Ngũ Tuyệt” và Lưu Thị Quỳnh Trang (Game Operation Lead, Game Operation 9) với bài học “Đao Phong Vô Song 2: Phía sau thất bại”.
2 giải Ba của cuộc thi lần lượt thuộc về bài học “Thất bại trong quản lý và đào tạo nhân sự” của Vũ Ngọc Ánh (CN Game BD Lead, Game BD, Business Development) và “Thất bại trong quá trình xây dựng team” của Vũ Văn Thành (Task Force Lead, Task Force, Game Publishing).
Funtap hy vọng sau những thất bại, mọi người có thể rút ra được những bài học hữu ích và cùng nhau chinh phục những thử thách mới trên hành trình tương lai đầy thú vị.