Trong hơn 10 năm qua, ngành công nghiệp game di động của Việt Nam đã bùng nổ mạnh mẽ, được ví như làn sóng “British Invasion” trong âm nhạc những năm 1960. Trong một bài viết phân tích, có một chuyên gia (Felix Braberg) đã gọi đây là The Vietnamese Invasion. Nhưng nếu nhìn lại chặng đường đó, thì chúng ta cũng có thể hiểu được cách gọi này.
Bắt đầu từ sự dũng cảm
Ngành Game Việt Nam, có thể nói bắt đầu từ khoảng năm 2005, với các công ty phát hành nội địa. Ngay từ khi ấy, người Việt đã có mong muốn làm chủ các sản phẩm Game. Những công ty như FPT, VTC, VNG và sau này là Hiker Games đều lần lượt đầu tư phát triển các sản phẩm PC Game.
Họ sẵn sàng lao vào sản xuất những dòng game khó nhằn như FPS, RTS, với sự dũng cảm cần thiết. Những viên đạn trong game FPS, người Việt thiết kế chi tiết gấp 3 lần các nhà phát triển Hàn Quốc. Và đương nhiên, với một lựa chọn như vậy, thật khó để thành công!
Đến biểu tượng văn hoá nhân loại: Flappy Bird
Năm 2013, Nguyễn Hà Đông, một chàng trai sống lặng lẽ tại Hà Nội, tạo ra một trò chơi di động với đồ họa 8-bit và luật chơi siêu đơn giản. Tựa game ấy tên là Flappy Bird.
Trò chơi trở thành hiện tượng mạng, nổi lên nhờ độ khó đến vô lý, lối chơi gây nghiện và hàng triệu lượt chia sẻ trên Reddit, YouTube, Twitter,… Chỉ sau vài tuần, Flappy Bird bay thẳng lên top bảng xếp hạng App Store và Google Play toàn cầu.
CEO Google Sundar Pichai bắt tay thân mật cùng Nguyễn Hà Đông tại một quán trà chanh ở Hà Nội.
Ở đỉnh cao, Flappy Bird kiếm được 50.000 đô mỗi ngày chỉ từ quảng cáo. Nhưng thành công ấy cũng mang lại áp lực nặng nề. Nguyễn Hà Đông – người chỉ muốn làm game để vui – bất ngờ bị kéo vào tâm bão truyền thông. Trước những chỉ trích gay gắt và sự căng thẳng ngày càng lớn, anh bất ngờ quyết định gỡ trò chơi khỏi các kho ứng dụng vào tháng 2/2014.
Cả thế giới sững sờ.
Tưởng chừng như một dấu chấm hết, nhưng hóa ra lại là sự khởi đầu. Flappy Bird trở thành biểu tượng toàn cầu của game indie – của sự tối giản, lan tỏa và khả năng “đổi đời sau một đêm”. Trò chơi ấy sau này còn được trưng bày tại Bảo tàng Thiết kế V&A tại London, nơi tôn vinh những thiết kế ảnh hưởng nhất tới văn hóa đại chúng hiện đại.
Một số tờ báo thậm chí gọi Flappy Bird là “cha đẻ” của mô hình kiếm tiền từ quảng cáo (IAA) trong game di động – một khái niệm làm thay đổi cả ngành công nghiệp sau đó.
Từ Việt Nam, Flappy Bird không chỉ bay qua ống nước – mà bay vào lịch sử.
Khai sáng một kiểu chơi game mới: Play-to-Earn
Nếu Flappy Bird là “sự bùng nổ sau một đêm”, thì Axie Infinity là cơn sóng thần của kỷ nguyên Web3.
Năm 2018, Sky Mavis, một công ty non trẻ đặt trụ sở tại TP.HCM, bắt đầu xây dựng một trò chơi với khái niệm táo bạo: chơi game để kiếm tiền thật. Trò chơi ấy mang tên Axie Infinity.
Giữa đại dịch Covid năm 2021, khi thế giới vẫn còn đang loay hoay, Axie đã bùng nổ. Tại Philippines, Venezuela và nhiều nước đang phát triển, người dân không còn chỉ chơi để giải trí – mà chơi để mưu sinh. Một gia đình mất việc vì Covid? Họ chơi Axie để trả tiền điện. Một sinh viên thất nghiệp? Cậu ta sống bằng thu nhập từ SLP.
Tổng giá trị giao dịch vượt 4 tỷ đô, Ronin trở thành mạng blockchain có lượng giao dịch game lớn nhất thế giới. Sky Mavis gọi được hàng trăm triệu đô từ các quỹ đầu tư quốc tế, đối tác của họ là a16z, Binance, Animoca Brand.
Việt Nam – lần thứ hai – khiến thế giới game phải ngước nhìn.
Một lần là Flappy Bird. Một lần là Axie Infinity. Và cuộc hành trình vẫn đang tiếp diễn…
“Cuộc Xâm Lăng” của người Việt
Những câu chuyện trên đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho toàn thế giới. Và hệ quả của nó là ngành công nghiệp game di động của Việt Nam đã bùng nổ mạnh mẽ, được ví như làn sóng “British Invasion” trong âm nhạc những năm 1960. Chỉ riêng trong tháng 12/2024, 10 nhà phát hành game hàng đầu của Việt Nam đã đạt tới 143 triệu lượt tải xuống, thể hiện rõ tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Việt Nam trên thị trường game di động toàn cầu.
The Vietnamese Invasion: https://www.gamigion.com/mobile-ad-monetization-9/
Tại các bữa tiệc kết nối toàn cầu, người Việt được vây quanh bởi các quan chức cao cấp của các tập đoàn lớn. Và theo một vài ước tính không chính thức, năm 2024, tổng doanh thu games xuất khẩu của người Việt đã đạt 2.5-3 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2024, một số studio Việt đã vươn lên trở thành những cái tên dẫn đầu trên thị trường game di động quốc tế:
- iKame hiện là nhà phát triển lớn nhất tại Việt Nam tính theo lượt tải. iKame phát hành game dưới nhiều tên studio khác như: Dino Global, Jura Global, iMagic, và Zego Global. Các game nổi bật nhất của họ chủ yếu là game đua xe và game giải đố, tiêu biểu như Car Race, Bus Out, và Woodle – Wood Screw Puzzle. Rất khó để ước tính chính xác doanh thu quảng cáo vì họ có quá nhiều ứng dụng, nhưng một cách bảo thủ, con số này rơi vào khoảng 450.000 – 550.000 USD/ngày.
- Bravestars đã đạt hơn 1 tỷ lượt tải và có 180 triệu người dùng hoạt động hàng tháng kể từ khi thành lập năm 2013. Những tựa game hybrid casual nổi bật gồm Fruit Merge, Paper Doll Diary, và Woody Nuts and Bolts. Bravestars nhắm nhiều hơn tới đối tượng người chơi nữ so với iKame và hiện là nhà phát hành mobile lớn thứ 12 thế giới tính theo lượt tải. Với lượng người dùng khổng lồ hàng ngày, doanh thu quảng cáo ước tính khoảng 250.000 – 300.000 USD/ngày.
- XGame Studio ra đời tại Hà Nội vào năm 2018, XGame đã đạt gần 800 triệu lượt tải toàn cầu theo Sensor Tower. Phần lớn doanh thu của họ là dựa trên doanh số (revenue-based) — không rõ chi tiết là gì.
- ABI Games và 10 tài khoản phát hành khác đã đạt tổng cộng 2 tỷ lượt tải kể từ năm 2015, với 10 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày trên toàn cầu. Ước tính doanh thu quảng cáo hàng ngày từ các tựa game của họ vào khoảng 200.000 – 280.000 USD.
- Amanotes chuyên về các game âm nhạc. Tựa game chủ lực của họ là Magic Tiles 3, một game chơi piano theo phong cách giống Guitar Hero, và theo ước tính của tôi, tạo ra khoảng 90.000 – 100.000 USD/ngày từ cả IAP (mua trong ứng dụng) và quảng cáo. Riêng Magic Tiles 3 đã có tới 2,5 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày. Theo trang web chính thức, Amanotes đã vượt mốc 3 tỷ lượt tải và từng có tới 100 triệu người chơi hàng ngày trên toàn bộ các game của họ
- Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Falcon Games là studio có tổng số lượt tải hơn 3 tỷ. Họ chủ yếu tập trung vào game giải đố và game phân loại. Theo dữ liệu từ Sensor Tower, Cake Sort là tựa game nổi bật nhất của họ với 1,3 triệu người chơi hoạt động toàn cầu.
Các studio Việt Nam chủ yếu sử dụng mô hình kiếm tiền từ quảng cáo (IAA), đặc biệt là qua quảng cáo toàn màn hình (interstitial) và video thưởng (rewarded video). Một số studio cũng đang kết hợp giữa quảng cáo và mua hàng trong ứng dụng (hybrid monetization) để đa dạng hóa nguồn doanh thu, thậm chí cũng đạt được những thành công vang dội. Giới chuyên gia toàn cầu đang lao đầu vào phân tích the Vietnamese way – cách làm game của người Việt.
Rise of Vietnam – Mobile Gaming Boom: https://www.youtube.com/watch?v=lSzc2Y2DqFU
Lời kết
Ngành game Việt đang bước vào thời kỳ chuyển mình mạnh mẽ. Các trường đại học đã bắt đầu định hình lại chương trình đào tạo, tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao và đón đầu những công nghệ tiên phong như AI, blockchain. Chính phủ cũng thể hiện sự quan tâm rõ rệt khi đưa ngành game về quản lý dưới Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – một tín hiệu cho thấy game không chỉ là công nghiệp giải trí, mà còn là công cụ truyền tải văn hoá. Giống như Wukong: Black Myth của Trung Quốc, Việt Nam hoàn toàn có thể mơ về một biểu tượng văn hoá số mang tầm quốc tế.
Funtap Games không thể đứng ngoài sứ mệnh quốc gia ấy. Với tuyên ngôn Bring more joy to the world – the Vietnamese way, Funtap Games đã và đang nỗ lực đóng góp vào “cuộc xâm lăng” này. Cách làm có thể lúc đúng, lúc sai, hành quân có thể lúc nhanh, lúc chậm, nhưng mục tiêu và sứ mệnh này không bao giờ thay đổi.
——————————————–
Game Development là chuyên mục về người thật, việc thật với tinh thần re-startup máu lửa, không ngại thay đổi, dấn thân để chuyển dịch mạnh mẽ sang “làm game, go global”.
Hy vọng qua serie này, có thể truyền cảm hứng, kích tinh thần thay đổi của mỗi nhân sự tại Funtap Games.
