Connect with us

Hey, bạn đang muốn tìm gì vậy?

Chúng ta

Học trái ngành, làm trái nghề – Khi các Funners và Techlab-ers tìm thấy “duyên số” mới

Bạn đã từng nghe câu: “Học xong đi làm trái ngành, 4 năm đại học coi như bỏ phí” chưa? Đây chắc hẳn là một quan điểm gây tranh cãi, đã làm không ít người phải băn khoăn suy nghĩ khi đứng trước quyết định rẽ hướng trong sự nghiệp. Thực ra, làm trái ngành, trái nghề là câu chuyện không hề mới, và hầu như ngành nào cũng có người “rẽ ngang”. Thế nhưng, thay vì lo lắng về việc những gì mình đã học không còn hữu ích, nhiều anh chị em Funners và Technlab-ers lại biến đó thành lợi thế đặc biệt trong công việc mới. “Rẽ nhánh” nhưng không “lạc lối”, hãy cùng khám phá những câu chuyện đầy thú vị và cảm hứng từ các Funners và Technlab-ers dũng cảm dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình nhé!

Trần Đình Dương – Kỹ sư điện bước chân vào thế giới game

Ai mà nghĩ rằng một anh chàng kỹ sư điện lại có thể “nhảy” vào lĩnh vực làm game? Nhưng đó lại là câu chuyện thực tế của Trần Đình Dương. Từ những ngày tháng gắn bó với các bản vẽ kỹ thuật, công tắc, và dây điện, Đình Dương đã quyết định rẽ hướng sang làm việc trong Market Research của Funtap Games. Nghe có vẻ như chẳng hề liên quan, nhưng thật ra, chính ngành điện đã giúp Đình Dương có được nền tảng vững chắc về tư duy logic, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề một cách có hệ thống – những yếu tố vô cùng quan trọng trong công việc hiện tại.

Đình Dương chia sẻ “Khi chuyển qua làm game, em thực sự bỡ ngỡ. Tác phong làm việc khác hoàn toàn, giờ giấc cũng thay đổi. Môi trường game thì năng động, sáng tạo, khác xa sự gò bó, quy củ của ngành điện. Nhưng điều khiến em thấy may mắn là những kỹ năng về phân tích, tổ chức công việc và tư duy theo hệ thống mà em đã học từ ngành điện vẫn rất hữu ích trong việc phát triển và nghiên cứu sản phẩm.”

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về vật chất khi chuyển ngành, nhưng với Đình Dương, việc được sống và làm việc theo đam mê là điều quan trọng nhất. “Tới thời điểm hiện tại, quyết định rẽ hướng qua làm game chưa bao giờ khiến em thất vọng. Được cống hiến cho thứ mình yêu thích, dù có những khó khăn, em vẫn thấy vui và mãn nguyện.”

Đàm Thu Nguyệt – Từ cử nhân Công tác xã hội đến Marketing Marketing Executive đầy “tâm linh”

Đàm Thu Nguyệt từng là cô gái đầy tâm huyết với công tác xã hội, luôn mong muốn giúp đỡ mọi người và gắn bó với những sứ mệnh nhân văn. Nhưng cuộc đời đã có kế hoạch khác cho Nguyệt, khi một lần tình cờ, cô nàng được một người anh “rủ rê” tham gia sản xuất nội dung trên nền tảng TikTok. Thế là Nguyệt bỗng nhiên “bén duyên” với Marketing. Từ đó, con đường sự nghiệp của cô gái nhỏ đã bước sang một chương hoàn toàn mới, nơi những kỹ năng và kiến thức từ ngành công tác xã hội lại trở thành nền tảng quý giá cho hành trình trong lĩnh vực Marketing.

“Khi làm công tác xã hội, mình học được cách thấu hiểu con người, và luôn đặt họ làm trung tâm của mọi vấn đề. Từ đó, khi chuyển qua làm Marketing, mình có thể áp dụng tư duy này để tạo ra những chiến dịch tiếp cận khách hàng một cách gần gũi và chân thật nhất,” Nguyệt chia sẻ. “Dù công việc khác xa so với những gì mình học, nhưng tư duy nhân văn và khả năng tương tác với cộng đồng mà mình tích lũy được trong quá khứ đã giúp mình rất nhiều.”

Sự linh hoạt và tinh thần học hỏi không ngừng của Nguyệt đã giúp cô tiếp tục tiến xa trong ngành Marketing. “Nghề này như thể chọn mình vậy, cứ liên tục đưa đến cho mình những cơ hội và thử thách mới. Và dù là làm Marketing, mình vẫn giữ nguyên tư duy lấy con người làm trọng tâm của công việc.”

Lê Ngọc Trâm – Khi Dev chăm sóc khách hàng “cực mượt”

Nếu bạn nghĩ rằng Công nghệ thông tin và Chăm sóc khách hàng không hề liên quan gì đến nhau, hãy nghe câu chuyện của Lê Ngọc Trâm. Trước đây, Ngọc Trâm đam mê công nghệ và muốn làm việc trong đội ngũ phát triển sản phẩm (dev) của Funtap. Tuy nhiên, chưa đủ kinh nghiệm để vào vị trí đó, cô nàng đã kiên trì ứng tuyển vào Funtap và cuối cùng trở thành thành viên của Team Chăm sóc khách hàng (CSKH).

“Ban đầu, em rất ngại khi phải gọi điện cho khách hàng, giọng run như lần đầu biết yêu vậy,” Trâm nhớ lại những ngày đầu khi còn bỡ ngỡ với công việc mới. Nhưng chính ngành học Công nghệ thông tin đã mang đến cho Ngọc Trâm một kỹ năng vô cùng hữu ích: khả năng tiếp cận vấn đề một cách logic và tìm giải pháp tối ưu. Điều này giúp cô xử lý các tình huống phát sinh trong công việc CSKH một cách hiệu quả hơn.

“Cô giáo em từng nói, dạy người mới dễ hơn dạy người đã biết một ít. Nhờ đó, em không ngần ngại học lại từ đầu và tiếp thu những kiến thức, kỹ năng cơ bản về CSKH. Nhưng tư duy hệ thống từ ngành CNTT giúp em nhanh chóng làm quen và hoàn thành tốt nhiệm vụ,” Ngọc Trâm chia sẻ.

Dù rẽ hướng, Ngọc Trâm không hề cảm thấy lạc lối, mà ngược lại, cô đã phát huy được những gì mình học để thích nghi với công việc mới. Cô gái trẻ giờ đây đã tự tin hơn, không còn ngại ngần khi giao tiếp với khách hàng, và đã trở thành một thành viên quan trọng trong team CSKH.

Bùi Thị Kim Anh – Cử nhân Kinh doanh thương mại chuyển hướng sang Marketing: Tận dụng mọi lợi thế từ trái ngành

Kim Anh không xuất phát từ Marketing, nhưng lại có duyên với nghề khi được trải nghiệm và rồi say mê với nó. “Em đúng là không học chuyên ngành Marketing, nhưng đã có cơ hội trải nghiệm công việc này,” Kim Anh chia sẻ về bước chuyển đầy thú vị của mình.

Ban đầu, cô nàng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là phải tự học từ đầu và liên tục cập nhật kiến thức. Làm trái ngành thì luôn là một thử thách, nhưng với tinh thần học hỏi không ngừng và sẵn sàng thích nghi, Kim Anh đã từng bước vượt qua. “Nếu có tinh thần học hỏi và luôn sẵn sàng thích nghi thì em nghĩ hoàn toàn có thể làm tốt,” cô nàng tự tin chia sẻ.

Không chỉ có vậy, những kỹ năng từ ngành Kinh doanh thương mại còn trở thành lợi thế lớn giúp Kim Anh có góc nhìn đa chiều trong Marketing khi nhờ nền tảng từ ngành học cũ, cô đã biết cách áp dụng nhiều kỹ năng mềm vào công việc hiện tại. “Có nhiều kỹ năng từ ngành khác mình có thể áp dụng sang Marketing để biến nó thành lợi thế,” Kim Anh dường như đã tìm ra công thức bí mật cho chính mình.

Nguyễn Lam Phượng – Từ cử nhân Tài chính trở thành Marketing Specialist: Vừa học vừa “cày” vẫn OK!

Từ một cô gái học chuyên ngành Tài chính với những con số khô khan chuyển sang lĩnh vực Marketing đầy sáng tạo, với Lam Phượng là một quyết định không hề đơn giản. “Chuyển từ ngành khác sang Marketing thì khó khăn đầu tiên là kiến thức và kỹ năng học ở trường không còn phù hợp, gần như phải học lại từ đầu,” Lam Phượng chia sẻ. Việc phải bắt đầu từ con số 0 đòi hỏi Lam Phượng phải dành nhiều thời gian tìm hiểu, cố gắng rút ngắn khoảng cách so với những đồng nghiệp học đúng chuyên ngành.

Tuy nhiên, cô gái của chúng ta không hề nản lòng. Với tinh thần cầu tiến, Lam Phượng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất và luôn tìm cách học hỏi từ những anh chị có kinh nghiệm bởi “mình có thái độ cầu tiến và chủ động hỏi đúng thì các anh chị cũng không ngại chia sẻ”. Lam Phượng tin rằng, dù bắt đầu từ con số 0, nhưng nếu kiên nhẫn và quyết tâm, ai cũng có thể thành công. Và đây cũng chính là một lời khuyên hữu ích cho những ai muốn theo đuổi con đường trái ngành giống như Lam Phượng.

Vũ Hồng Vân – Cử nhân Công nghệ sinh học sang Designer: Từ gen sinh học đến gen đồ họa

Chuyển từ Công nghệ sinh học sang làm Designer? Nghe có vẻ như một cú rẽ ngoạn mục, nhưng với Vũ Hồng Vân, đó là hành trình tìm kiếm đam mê đích thực của mình. “Mình đã làm Designer hơn 10 năm rồi, nhưng ít ai biết chị từng học Công nghệ sinh học,” Hồng Vân chia sẻ về quyết định táo bạo của mình.

Sau khi tốt nghiệp, Hồng Vân nhận ra mình không phù hợp với ngành học này và quyết định chuyển hướng. Lý do đơn giản thôi, anh trai của Hồng Vân đã làm trong ngành thiết kế, và cô nhận ra đây mới là nơi mình thực sự thuộc về. “Thế là mình theo học design và làm đến tận bây giờ,” Hồng Vân kể lại hành trình của mình, từ những ngày học hỏi đến khi thành thạo với công việc.

Đối với Hồng Vân, dù học đúng ngành hay trái ngành thì điều quan trọng vẫn là không ngừng học hỏi. Mỗi ngày đều là cơ hội để trau dồi thêm kỹ năng mới và phát triển bản thân. “Khi đi làm dù đúng hay khác chuyên ngành mình học thì vẫn cần học hỏi thêm nhiều điều để phù hợp với công việc”. Và với Hồng Vân, mỗi cú rẽ nhánh trong cuộc đời đều là một bài học quý giá.

Qua những câu chuyện của anh chị em Funners và Techlab-ers, có thể thấy rõ rằng việc “làm trái ngành, trái nghề” không hề đáng sợ như người ta vẫn nghĩ. Thay vào đó, những kiến thức và kỹ năng từ ngành học ban đầu không những không bị “bỏ phí” mà còn trở thành hành trang quý báu cho các Funners trên con đường sự nghiệp mới.

Điều quan trọng là sự dũng cảm dám rẽ hướng, sự linh hoạt trong tư duy và khả năng áp dụng những gì đã học vào môi trường làm việc mới. Như những người đồng nghiệp của chúng ta đã chứng minh, dù học một đằng làm một nẻo, họ vẫn luôn biết cách tận dụng mọi cơ hội để phát triển và tỏa sáng trong sự nghiệp của mình.

Vậy nên, nếu bạn đang băn khoăn về việc rẽ hướng, đừng ngại ngần! Bởi có khi chính cú rẽ ấy sẽ đưa bạn đến với những cơ hội tuyệt vời mà bạn chưa bao giờ nghĩ đến!

Bình luận ngay

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Dành cho bạn

Dấu ấn

Hôm nay (22.11), dự án TingTing chính thức đạt 10.000 merchants sử dụng. Nếu như 7 tháng trước, cái tên Loa TingTing còn mang...

Chúng ta

TINGTING ĐẠT 10.000 MERCHANTS: HÀNH TRÌNH TỪ HOÀI NGHI TỚI TỰ HÀO CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ CHO NHÀ QUẢN LÝ BẬN RỘN 9Pay vinh...

Chúng ta

Cùng 9Pay vinh danh những Cá nhân Xuất sắc tháng 10/2024 nhé!

Chúng ta

TINGTING ĐẠT 10.000 MERCHANTS: HÀNH TRÌNH TỪ HOÀI NGHI TỚI TỰ HÀO CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ CHO NHÀ QUẢN LÝ BẬN RỘN 9Pay vinh...