Phát triển game – Xây dựng sản phẩm từ con số 0
Các nhà phát triển game có thể là một đội ngũ nhỏ trong một studio độc lập hoặc một đội lớn tại các công ty game toàn cầu. Họ sẽ biến những ý tưởng trừu tượng thành một thế giới sống động khi trực tiếp tạo ra nội dung, hình ảnh, âm thanh và cơ chế chơi của game. Đội ngũ phát triển game thường bao gồm các vị trí: Thiết kế gameplay, Lập trình, Thiết kế đồ họa và âm thanh, Kiểm thử.
Quy trình phát triển một sản phẩm game được chia thành nhiều giai đoạn rõ ràng, mỗi giai đoạn bao gồm các công việc cụ thể.
- Giai đoạn đầu tiên – tiền sản xuất, đây là giai đoạn đặt nền móng cho dự án, khi xác định ý tưởng và lập kế hoạch quy trình phát triển. Bên cạnh đó bắt đầu tạo tài liệu thiết kế game và xây dựng bản thử nghiệm để kiểm tra tính khả thi của các ý tưởng.
- Giai đoạn sản xuất là giai đoạn chính, nơi các ý tưởng được thực hiện và tích hợp thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Lúc này các vị trí thiết kế gameplay, lập trình, thiết kế đồ họa và âm thanh sẽ xây dựng nên cơ chế chơi game, cách người chơi tương tác với game, tạo ra hình ảnh, âm thanh và những chuyển động mượt mà trong game.
- Cuối cùng là giai đoạn kiểm thử nhằm đảm bảo chất lượng và khắc phục các lỗi trước khi phát hành.
Quy trình phát triển game
Mỗi bước trong quy trình phát triển đều đòi hỏi chuyên môn cao, sự sáng tạo, tỉ mỉ và phối hợp chặt chẽ để đảm bảo chất lượng cuối cùng của sản phẩm. Từ một nguyên mẫu đơn giản đến thế giới ảo phức tạp, đội ngũ phát triển phải vượt qua nhiều thách thức và không ngừng đổi mới để tạo ra trải nghiệm đặc biệt cho người chơi.
Phát hành game – Cầu nối giữa sản phẩm và người chơi
Nếu nhà phát triển tạo ra sản phẩm, thì nhà phát hành game lại là người đưa sản phẩm đó đến tay công chúng. Nhà phát hành chịu trách nhiệm cho toàn bộ quá trình quảng bá, tiếp thị và phân phối game.
Hậu trường quá trình team Marketing tạo nên những bộ cosplay ấn tượng
Quy trình phát hành game gồm nhiều bước quan trọng, từ việc chuẩn bị cho đến khi ra mắt game và chăm sóc cộng đồng người chơi sau đó. Đặc biệt với một công ty chuyên phát hành game thì nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là tìm kiếm và thử nghiệm các sản phẩm phù hợp với thị trường. Sau khi có sản phẩm, các vị trí sẽ tiến hành triển khai theo các giai đoạn:
- Chuẩn bị phát hành: Đây là giai đoạn chuẩn bị kỹ lưỡng để game sẵn sàng ra mắt. Các nhóm sẽ thực hiện nghiên cứu thị trường, lập chiến lược marketing, thiết lập mô hình kinh doanh, lựa chọn nền tảng phân phối, kiểm tra tiêu chuẩn và xin giấy phép phát hành.
- Tiếp theo là giai đoạn chính thức đưa game ra thị trường và thu hút sự chú ý của công chúng. Sau khi đăng tải và công bố game trên các nền tảng phân phối đã chọn, sẽ bắt đầu khởi động chiến dịch quảng cáo, truyền thông và các sự kiện ra mắt trực tuyến. Và duy trì sức nóng của sản phẩm bằng các sự kiện livestream, cuộc thi, minigame,..
- Giai đoạn sau khi game ra mắt, nhà phát hành tiếp tục theo dõi hiệu suất game, cập nhật, sửa lỗi, hỗ trợ khách hàng, phát triển các bản cập nhật, quản lý, xây dựng cộng đồng và tiếp tục cải tiến để đảm bảo hiệu quả lâu dài.
- Cuối cùng là giai đoạn phát triển chiến lược dài hạn với việc thiết lập kế hoạch cập nhật, quản lý danh tiếng thương hiệu sản phẩm, nâng cao trải nghiệm người chơi nhằm duy trì sức hút của game trong thời gian dài và phát triển danh tiếng cho nhà phát hành.
Quy trình phát hành game mobile
Mối quan hệ không thể tách biệt giữa phát triển và phát hành game
Phát triển game và phát hành game là hai mắt xích không thể tách rời trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp game. Mặc dù hai mảng đảm nhận những vai trò khác nhau, nhưng cả hai đều hỗ trợ và kết hợp cùng nhau để đảm bảo một sản phẩm thành công từ giai đoạn ý tưởng đến khi tiếp cận đến tay người chơi. Một game tuyệt vời nhưng không được phát hành đúng cách có thể sẽ rơi vào quên lãng. Ngược lại, một chiến dịch phát hành mạnh mẽ cũng không thể “cứu” một game có chất lượng kém.
Vì vậy để có một sản phẩm game được công chúng đón nhận và tồn tại lâu dài nhà phát triển và phát hành phải làm việc cùng nhau xuyên suốt quá trình từ khi phát triển sản phẩm đến sau khi ra mắt.
Từ giai đoạn ban đầu, nhà phát hành có thể tham gia cung cấp ý tưởng, thông tin về xu hướng thị trường, đối tượng mục tiêu, hoặc những yếu tố mà người chơi mong đợi, từ đó định hình sản phẩm tốt hơn. Trong quá trình phát triển nhà phát triển và phát hành cũng có thể phối hợp kiểm tra, đánh giá gameplay và nội dung, để đảm bảo sản phẩm phù hợp với chiến lược thị trường. Giai đoạn chuẩn bị ra mắt hai bên sẽ phối hợp, hỗ trợ nhau về các yêu cầu kỹ thuật, tối ưu hóa cho các nền tảng phân phối. Và sau khi ra mắt, nhà phát hành lắng nghe phản hồi từ cộng đồng và tiếp tục quảng bá, đồng thời kết hợp với nhà phát triển xử lý các vấn đề kỹ thuật, cập nhật và nâng cấp nhằm duy trì sức hút và sự yêu thích của người chơi trong thời gian dài.
Đại diện nhà phát hành và nhà phát triển của Mobile Legends: Bang Bang
Hy vọng rằng với những thông tin này, anh chị em sẽ có cái nhìn rõ ràng và toàn diện hơn về cả hai mảng phát triển và phát hành game, từ đó hiểu được vai trò của từng bộ phận trong hành trình tạo ra những sản phẩm tuyệt vời phục vụ cộng đồng game thủ.
Hiện nay, Funtap Games cũng đang trong quá trình chuyển mình từ một công ty chuyên phát hành game sang lĩnh vực phát triển game, với mục tiêu tạo ra những sản phẩm “made in Funtap” mang dấu ấn độc đáo của chính chúng ta. Đây là giai đoạn mới, đầy tiềm năng và thách thức vì vậy hãy cùng nhau góp sức mình vào hành trình chinh phục những cột mốc mới của Funtap Games trong tương lai.